Đang Trực Tuyến

466 người đang online trong đó bao gồm 2 thành viên, 428 khách và 36 robots

Mua bán bitcoin ở Việt Nam có hợp pháp không?

Thảo luận trong 'Kiến Thức' bắt đầu bởi Admin, 7 Tháng bảy 2023.

  1. Admin

    Admin Administrator

    Bài viết:
    Tìm chủ đề
    53
    Hỏi: Hiện tôi đang mua bán Bitcoin trên sàn giao dịch RemitanoBinance, vậy muốn biết ở VN hoạt động này có được phép hay không?

    Vấn đề tiền ảo hiện nay đang là vấn đề được đầu tư và hoạt động khá mạnh mẽ trên các sàn giao dịch. Vậy việc mua bán và sử dụng đồng Bitcoin có vi phạm pháp luật không? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:

    1. Bitcoin là gì?

    Hiện nay, trong các văn bản pháp luật hiện hành của pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể thế nào là Bitcoin.

    Tuy nhiên, trên thực tế có thể hiểu Bitcoin là tiền ảo. Tiền ảo là một loại tiền kỹ thuật số không có sự quản lý, phát hành bởi những người phát triển phần mềm cũng thường là người kiểm soát hệ thống và được sử dụng, chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định.

    Đây là loại tiền chỉ được công nhận giao dịch trong một cộng đồng, một tổ chức. Pháp luật Việt Nam hiện nay không công nhận giá trị pháp lý của tiền ảo (Bitcoin).

    Bitcoin được hoạt động dựa trên công nghệ Blockchain. Blockchain sẽ cung cấp một cuốn sổ cái có chứa tất cả các giao dịch trên mạng lưới nhưng không để công khai thông tin của những người thực hiện giao dịch.

    2. Mua bán và sử dụng đồng Bitcoin có vi phạm pháp luật không?

    Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định 80/2016/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, cụ thể như sau:

    Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được pháp luật Việt Nam công nhận trong các giao dịch thanh toán bao gồm:

    – Séc.

    – Lệnh chi.

    – Ủy nhiệm chi.

    – Nhờ thu.

    – Ủy nhiệm thu.

    – Thẻ ngân hàng.

    – Các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

    Và các phương tiện thanh toán không thuộc các trường hợp trên sẽ được coi là phương tiện thanh toán không hợp pháp.

    Như vậy, theo căn cứ trên, trong các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó không có loại phương tiện tương tự là Bitcoin. Chính vì vậy, khi thực hiện các giao dịch thanh toán mà dùng tiền ảo (bitcoin) làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam là vi phạm pháp luật.

    Tuy nhiên, đối với hoạt động đầu tư Bitcoin pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể trong bất cứ văn bản nào trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Hiện nay, kinh doanh bitcoin không được liệt kê trong hệ thống ngành, nghề kinh tế Việt Nam (theo quyết định số 27/2018/QĐ-TTg) ; hoặc theo quy định của Luật đầu tư năm 2020, bitcoin không được liệt kê là một trong những ngành, nghề kinh doanh bị cấm đầu tư.

    Do đó, có thể hiểu rằng, pháp luật Việt Nam không chính thức cho phép kinh doanh bitcoin nhưng cũng không có quy định rõ ràng về việc cấm kinh doanh bitcoin.

    3. Thực hiện giao dịch bằng Bitcoin sẽ bị xử phạt như thế nào?

    3.1. Xử phạt vi phạm hành chính:

    Căn cứ theo quy định tại điểm d Khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP, khi sử dụng Bitcoin thực hiện giao dịch thanh toán sẽ bị xử phạt mức phạt như sau:

    Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị áp dụng mức xử phạt từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

    Ngoài ra, hành vi cá nhân hoặc tổ chức nào thực hiện mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, hoặc cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán thì cũng sẽ bị xử phạt mức tiền từ 50 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

    3.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự:

    Trường hợp nếu như sử dụng Bitcoin thanh toán trong các giao dịch nếu như có đủ dấu hiệu còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 Bộ luật hình sự 2015 số 100/2015/QH13, được sửa đổi. Bổ sung tại Khoản 48 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, cụ thể như sau:

    – Mức xử phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

    Trường hợp này áp dụng khi người nào thực hiện hành vi gây ra hậu quả là làm thiệt hại cho người khác về mặt tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hành vi bao gồm:

    + Trường hợp không được cấp tín dụng mà thực hiện cấp tín dụng (ngoại trừ trường hợp cấp dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng).

    + Cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật.

    + Vi phạm quy định về tỷ lệ bảo đảm an toàn cho hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng.

    + Với mục đích để cấp tín dụng đối với trường hợp phải có tài sản bảo đảm mà thực hiện hành vi cố ý nâng khống giá trị tài sản bảo đảm.

    + Đối với đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tổng mức dư nợ cấp tín dụng.

    + Cấp tín dụng vượt giới hạn so với vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan (ngoại trừ trường hợp có chấp thuận của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật).

    + Vi phạm quy định của pháp luật về góp vốn, giới hạn góp vốn, mua cổ phần, điều kiện cấp tín dụng.

    + Thực hiện hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp.

    + Có hành vi làm giả chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán. Sử dụng chứng từ thanh toán, phương tiện thanh toán giả.

    + Thực hiện kinh doanh vàng trái phép hoặc kinh doanh ngoại hối trái phép.

    + Thực hiện hoạt động ngân hàng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Luật các tổ chức tín dụng.

    – Mức phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

    + Nếu như đối tượng nào có hành vi phạm tội mà mức hậu quả gây ra làm thiệt hại tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.

    – Mức phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

    + Đối tượng có hành vi phạm tội mà mức hậu quả gây ra làm thiệt hại tài sản từ 1 tỷ đồng đến dưới 3 tỷ đồng.

    – Mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

    + Đối tượng có hành vi phạm tội mà mức hậu quả gây ra làm thiệt hại tài sản 3 tỷ đồng trở lên.

    – Ngoài ra, người thực hiện hành vi phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định trong khoảng thời gian từ 01 năm đến 05 năm.

    Do đó, theo quy định trê, nếu hành vi sử dụng Bitcoin nằm trong diện hành vi sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp hoặc phát hành, cung ứng phương tiện thanh toán không hợp pháp nếu như gây hậu quả từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    4. Thực trạng các giao dịch thanh toán Bitcoin bị tranh chấp hiện nay:

    Thực tế, việc giao dịch Bitcoin xảy ra rất phổ biến hiện nay, đặc biệt trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin phát triển. Ở tại Việt Nam, khung pháp lý về bitcoin chưa được ban hành, vì thế bitcoin không thể được coi là tài sản. Do đó, khi xảy ra tranh chấp liên quan đến Bitcoin thì sẽ không thể đem ra pháp luật nhờ can thiệp và xử lý được.

    Và đây cũng là một sơ hở để cho các đối tượng lừa đảo lợi dụng thực hiện các chiêu trò với mục đích lừa những người tham gia các giao dịch thực hiện liên quan đến tiền ảo. Rất nhiều trường hợp đã bị lừa thông qua việc kêu gọi, đầu tư vào các sàn thương mại điện tử hay mua bán Bitcoin, xong nạp tiền và sau đó không thể thực hiện lấy được tiền về. Trong khi đó, các trang mạng, các sàn giao dịch thường sẽ ở bên nước ngoài. Xảy ra hậu quả bị lừa không lấy lại được tiền thì người dân sẽ phải chịu vì cơ chế xử lý vấn đề liên quan đến tiền ảo (Bitcoin) chưa có.

    Thủ tướng Chính phủ cũng có ra chỉ thị số 10/CT-TTg, trong đó yêu cầu các cơ quan như Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an.. kiểm soát, ngăn chặn và xử lý việc thực hiện các giao dịch (bao gồm phát hành, giao dịch, môi giới) liên quan đến tiền ảo trái pháp luật.

    Theo đó, người dân cần cẩn trọng tìm hiểu kĩ quy định của pháp luật về tiền ảo và cẩn thận tránh trường hợp bị lừa trong các giao dịch về tiền ảo, tránh "tiền mất tật mang".

    5. Một số thủ đoạn lừa đảo sàn tiền ảo phổ biến

    Trên thế giới, tiền điện tử Bitcoin mặc dù không được công nhận, song nó vẫn tồn tại và được một số nhà đầu tư (NĐT) sử dụng trong giao dịch điện tử. Nếu sử dụng đồng tiền thông thường, Nhà nước quản lý, khi giao dịch phải thông qua cơ quan có trách nhiệm và chịu chi phí nộp thuế, hoặc khoản dịch vụ nhất định.. ; đối với tiền điện tử Bitcoin thì không chịu bất cứ chi phí nào, bởi có thể giao dịch thẳng giữa các đối tác với nhau. Chính vì thế, dù Bitcoin hay các loại tiền "ảo" khác không được Việt Nam và nhiều quốc gia công nhận. Việc hoạt động không chính thống này tiếp tục diễn biến phức tạp và đã kéo theo những tranh chấp dân sự, thương mại và đặc biệt là tội phạm lợi dụng tiền ảo để lừa đảo người dân.

    Thủ đoạn kinh doanh đa cấp tiền ảo biến tướng

    Đây là thủ đoạn lừa đảo phổ biến hiện nay, hình thức lừa đảo này được phát triển dưới vỏ bọc dự án đầu tư, hứa hẹn mang lại những khoản lợi nhuận lớn, cố định mỗi tháng cho nhà đầu tư khi rót vốn vào (khoảng 30-40%/tháng, cao hơn rất nhiều so với các quỹ ủy thác tài chính khác) . Các dự án này thường huy động vốn của nhà đầu tư và trả lãi theo nhiều tầng, đồng thời dự án còn đặt ra mức hoa hồng vài chục đến hàng trăm phần trăm cho người giới thiệu nhằm thu hút thêm nhiều thành viên khác tham gia. Bản chất của mô hình đa cấp lừa đảo này nằm ở việc những đối tượng không tập trung vào phát triển sản phẩm của dự án mà chỉ chú trọng lôi kéo càng được nhiều người tham gia đầu tư dự án nhất có thể, lấy tiền của người tham gia sau để trả lãi suất và hoa hồng cho người tham gia trước.

    Để xây dựng hình ảnh, các trưởng nhóm (leader) dùng ảnh xe sang, biệt thự để quảng bá, đánh vào tâm lý tham lam của người chơi. Nhiều nhà đầu tư cho rằng họ bị "hấp dẫn" bởi những bài đăng trên Facebook của các leader và một mực tin tưởng rằng đây là mô hình có thể làm giàu nhanh. Tuy nhiên chính bởi các chiêu trò và hứa hẹn cùng với việc tạo hình ảnh của người thành đạt, giàu có.. nên không ít các đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người tham gia để huy động vốn. Đến một thời điểm nào đó, bọn chúng sẽ tự đánh sập dự án và bỏ trốn cùng số tiền đã huy động của những nhà đầu tư trên.

    Thủ đoạn thông qua sàn giao dịch quyền chọn nhị phân

    Không chỉ lừa đảo bằng việc "vẽ" ra các dự án ma và kêu gọi đầu tư, kẻ lừa đảo còn lừa đảo sản tiền ảo thông qua sàn giao dịch quyền chọn nhị phân. Khác với thủ đoạn lừa đảo trên, ở hình thức này, kẻ lừa đảo sẽ mở một sàn giao dịch không đăng ký kinh doanh các sản phẩm mà thực hiện dưới dạng đầu tư tài chính.

    [​IMG]

    Quyền chọn nhị phân tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo

    Các sàn giao dịch này thường do một nhóm đối tượng ẩn danh tổ chức hoạt động, không có đăng ký kinh doanh, không có trụ sở tại Việt Nam hay người đứng đầu cụ thể và cũng không kinh doanh các sản phẩm mà hình thức đầu tư tài chính, giao dịch mà người mua sẽ đưa ra dự đoán xu hướng tăng hoặc giảm của các loại tài sản như hàng hóa, tiền tệ, cổ phiếu, chỉ số tại thời điểm dự đoán. Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo còn lập một đội chuyên đọc lệnh, lập nhiều nhóm trên mạng xã hội chia sẻ kinh nghiệm đầu tư và thường xuyên đăng ảnh nhận lãi khủng, mua nhà, mua xe nhằm lôi kéo những người không rành về tài chính, những người lớn tuổi hay người sống ở các vùng nông thôn.. Sức hấp dẫn từ lời mời, lãi suất cao khó cưỡng đã thôi thúc hàng nghìn người tham gia.

    Bằng các thủ đoạn trên, chúng giới thiệu sàn đầu tư tài chính với hình thức chơi chủ yếu là dự đoán về các giao dịch liên quan đến tiền ảo, cổ phiếu.. thông qua các lệnh như mua - bán, lên - xuống, xanh - đỏ.. Thủ đoạn này tương tự như những trò tài xỉu online hoặc cá cược bóng đá online. Người chơi sẽ có một khoảng thời gian để lựa chọn và nếu thắng thì sẽ nhận về đến 95% số tiền đặt cược, nếu thua thì sẽ mất hết tất cả số tiền đã cược trước đó.

    Có thể thấy, đây là một hình thức lừa đảo vô cùng tinh vi. Kẻ lừa đảo lợi dụng tâm lý thắng thua, đam mê bài bạc của các nạn nhân cùng với cam kết trả lợi nhuận cao thậm chí có thể rút vốn cũng như lãi bất cứ lúc nào để dụ dỗ, lôi kéo người chơi thực hiện đầu tư vào sàn giao dịch. Sau khi đã thu hút được một số lượng lớn người chơi nạp tiền vào sàn, bọn chúng sẽ lợi dụng công nghệ cao để can thiệp vào hệ thống xử lý các lệnh giao dịch, chiếm quyền của các tài khoản của người chơi và đánh sập sàn giao dịch, chiếm đoạt tiền của các nạn nhân.

    Thủ đoạn tặng tiền ảo

    Ngoài hai thủ đoạn lừa đảo sàn tiền ảo nêu trên, thời gian gần đây lại rộ lên chiêu thức lừa đảo mới là tặng tiền ảo. Ở chiêu trò này, kẻ lừa đảo thường giả danh CEO của các dự án coin lớn, yêu cầu người dùng gửi tiền ảo vào ví để nhận lãi khủng. Đặc biệt, số coin này sẽ không thể quy thành tiền hay bất cứ loại tài sản nào khác. Tuy nhiên, sau khi người chơi đã gửi tiền thành công, các đối tượng sẽ thông báo hệ thống lỗi và nạn nhân sẽ không nhận được tiền lãi cũng như có nguy cơ mất toàn bộ số tiền đã nạp trước đó. Nếu nhận ra dấu hiệu lừa đảo, nạn nhân muốn bán toàn bộ coin có trong ví của mình thì cũng sẽ phát hiện toàn bộ số tiền trong ví đã biến mất và không thể thực hiện được bất kỳ giao dịch nào.

    Nguyên tắc cần nhớ để tránh bị lừa đảo sàn tiền ảo

    Mặc dù hiện tại người dân đã trang bị cho mình rất nhiều kiến thức để phòng, chống lừa đảo nhưng các thủ đoạn lừa đảo trong đó có lừa đảo sàn tiền ảo càng ngày càng tinh vi. Do đó, để tránh sập bẫy các chiêu trò lừa đảo này, mỗi người cần lưu ý những vấn đề sau đây:

    Đầu tư tiền ảo tiềm ẩn nhiều rủi ro.

    Hiện nay, Việt Nam chưa công nhận bất cứ loại hình tiền ảo, tiền mã hóa nào và cũng chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền ảo, tài sản ảo. Bên cạnh đó, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền ảo, tài sản ảo. Vì vậy, nhà đầu tư sẽ chịu toàn bộ rủi ro khi tham gia đầu tư vào các hoạt động đầu tư tiền ảo, sản phẩm ảo vì chúng không được pháp luật bảo hộ. Do đó, người dân cần nêu cao cảnh giác trước khi tham gia vào các hoạt động đầu tư, huy động vốn và trả thưởng theo mô hình mạng lưới đa cấp và các hoạt động giao dịch mua bán tiền ảo.

    Không chỉ vậy, khi phát hành, sử dụng các phương thức thanh toán không hợp pháp mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng theo điểm d khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Nếu mức độ vi phạm nặng hơn, căn cứ Điều 206 Bộ luật Hình sự, người phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo không hợp pháp còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng với mức phạt tù lên đến 20 năm. Ngoài ra, khi thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người vi phạm còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự.

    Lưu ý nhất định phải nhớ khi đầu tư tiền ảo.

    Thứ nhất: Cần kiểm tra tính pháp lý của các dự án đầu tư, sàn giao dịch đầu tư tài chính hay các công ty về đầu tư tài chính như: Doanh nghiệp tên là gì? Có đăng ký kinh doanh không? Có trụ sở tại Việt Nam không? Có ký hợp đồng đầu tư tài chính với người chơi không.. Khi đảm bảo được đầy đủ các yếu tố về pháp lý thì sau này khi có tranh chấp, nhà đầu tư mới có thể được pháp luật bảo vệ.

    Thứ hai: Tuyệt đối không tin tưởng và đầu tư vào các dự án có cam kết lợi nhuận cao khủng khiếp. Bởi việc đầu tư và sinh lời dựa vào nhiều yếu tố để nhận được lợi nhuận. Do đó, lợi dụng tâm lý muốn làm giàu nhanh chóng, kẻ lừa đảo thường cam kết mức lãi suất cao. Có thể thấy, đây hoàn toàn là một trong những chiêu trò lừa đảo, bịa đặt nhằm chiếm đoạt tài sản. Do đó, khi muốn đầu tư, tuyệt đối không được quá tin tưởng vào những lời chào mời về mức lợi nhuận, lãi suất của dự án mà phải tìm hiểu kỹ hệ thống vận hành cũng như cách mà các dự án sinh ra lợi nhuận.

    Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân, các nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền ảo, tài sản ảo để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra. Khi phát hiện trường hợp nghi vấn, đề nghị báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất hoặc liên hệ qua fanpage An Ninh Mạng Và Phòng Chống Tội Phạm Công Nghệ Cao Tỉnh Kon Tum (Link ) để được hướng dẫn, xử lý kịp thời.

    CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:

    Bộ luật hình sự 2015 số 100/2015/QH13.

    Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

    Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

    Nghị định 80/2016/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt.

    Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

    Nghị định số 143/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 88/2019/nđ-cp ngày 14 tháng 11 năm 2019 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

    Nguồn: Luatduonggia.vn
     
Trả lời qua Facebook

Chia sẻ trang này